Cô gái Ba Na và niềm say mê âm nhạc

116

Dành niềm đam mê đặc biệt cho âm nhạc, Y Nhip (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) luôn nỗ lực không ngừng để mang tiếng hát của mình đến với công chúng. Bước vào tuổi 29, Y Nhip đã có hơn 15 năm theo đuổi, gắn bó với âm nhạc và gặt hái được những kết quả nhất định. Trong đó, vào tháng 12/2020, chị vinh dự là một trong 400 gương mặt tiêu biểu toàn quốc, tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III tại thủ đô Hà Nội.

Đến tìm chị tại phòng thu âm tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, tôi bị cuốn hút bởi một giọng hát cao, trong trẻo và đầy năng lượng – đặc trưng của chất giọng con người Tây Nguyên: “Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên/ Giơ nắm tay thề, gìn giữ hoà bình độc lập tự do/ Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng quyết tiến bước/ Đánh tan quân thù xây đắp cuộc đời hạnh phúc ấm no…”. Hỏi ra mới biết, nhân dịp tháng 3 là Tháng thanh niên, chị Y Nhip đang thể hiện ca khúc “Thanh niên làm theo lời Bác” (Đoàn ca) để cắt, ghép, lồng vào trong video, phục vụ cho phong trào hoạt động của Đoàn.

Ngay từ nhỏ, chị Y Nhip đã bị ấn tượng nghề ca hát và quyết định theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Theo chị chia sẻ, điều may mắn nhất của chị chính là được bố mẹ và những người xung quanh ủng hộ để bản thân theo con đường mà mình đã chọn. Nhờ sự đam mê cháy bỏng, cùng những ngày tháng miệt mài tập luyện, năm 14 tuổi, chị Y Nhip đỗ Trường Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội (tại Hà Nội) và theo học Khoa Thanh nhạc. Những ngày tháng dưới mái trường, chị không ngừng học tập để hoàn thiện các kiến thức âm nhạc, phát triển bản thân để thực hiện ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, mang tiếng lời ca tiếng hát dâng đời.

Lưu bản nháp tự động
Chị Y Nhip tại phòng thu âm. Ảnh: T.T

Ra trường và làm việc tại Hà Nội được vài năm, tháng 6/2013, chị Y Nhip trở về với phố núi Kon Tum, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê ca hát của mình. Sau khi trở thành 1 thành viên, 1 ca sĩ trong Đoàn Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kon Tum, chị bắt đầu mang tiếng hát của mình đến với bà con tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Chị Y Nhip tâm sự: “Hầu như chưa có nơi nào trên địa bàn tỉnh mà mình chưa đặt chân tới. Đối với các anh chị em trong đoàn, dường như mì gói đã trở thành món ăn quen thuộc trong những chuyến công tác biểu diễn xa nhà. Ở mỗi chuyến đi, việc phân công nhiệm vụ, chuẩn bị nồi niêu, chăn chiếu cho những “buổi ngủ dã chiến” đã trở thành thói quen của mỗi người… Tuy nhiên, bản thân mình và tất cả mọi người trong đoàn đều sẵn sàng gạt bỏ những khó khăn đó, để tiếp tục mang niềm vui, tiếng cười, những món quà tinh thần đến với tất cả mọi người. Cũng vì thế mà hàng năm, dù đơn vị đặt chỉ tiêu tổ chức 60 chuyến đi hướng về cơ sở, nhưng hầu như năm nào chúng mình cũng vượt chỉ tiêu đề ra”.

Chia sẻ về một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt 15 năm theo đuổi âm nhạc, chị Y Nhip hồi tưởng về Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh – 2019. Chương trình quy tụ gần 700 nghệ sĩ đến từ 10 đơn vị nghệ thuật trong nước và 2 đơn vị quốc tế (Lào và Campuchia). Trong đó, có hơn 100 tác phẩm ca múa nhạc được thể hiện tại liên hoan xoay quanh đề tài đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại đây, chị và các thành viên trong đoàn đã đạt huy chương bạc thông qua ca khúc “Tiếng gọi buôn làng tôi” do chính chị viết lời, và nhạc sĩ Đỗ An Đoan phổ nhạc”.

Gắn bó với âm nhạc, chị Y Nhip còn tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài tỉnh như: Phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Hòa Vang nhân dịp tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp tại thành phố Đà Nẵng; kỷ niệm 105 năm thành lập tỉnh Kon Tum; kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018); giao lưu biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia…

Nói về dự định tương lai của mình, chị Y Nhip cho biết: “Mình sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức về âm nhạc và rèn luyện bản thân để ngày càng trưởng thành, rắn rỏi hơn, qua đó gặt hái được những thành công trên con đường mà bản thân đã chọn. Đồng thời qua âm nhạc, mình muốn giao lưu, kết bạn với những người có cùng đam mê và sở thích từ các cuộc thi, chương trình âm nhạc được tổ chức. Dự định đến khi qua độ tuổi biểu diễn, mình sẽ mở một lớp dạy nhạc cho các em nhỏ nhằm lưu giữ giai điệu của người dân tộc Tây Nguyên để không bị phai phôi và mai một ở thế hệ sau”.

Có cơ hội được gặp gỡ với chị Y Nhip, tôi dường như đã hiểu được thái độ và tình yêu mà chị dành cho công việc của mình. Khoảnh khắc được nghe tiếng hát say mê của chị cất lên trong trong thu âm, tôi bỗng nhớ đến câu nói từng được nghe từ một người đồng nghiệp: “Làm những gì mình thích thì đó không phải là công việc mà là thực hiện niềm đam mê của bản thân”.

Tất Thành

https://www.baokontum.com.vn/net-dep-doi-thuong/co-gai-ba-na-va-niem-say-me-am-nhac-18058.html