Chuyện người “giữ lửa” cồng chiêng

81
Chuyện người Ðội chiêng xoang Trường tiểu học Ðặng Trần Côn, xã Ngọk Bay, TP Kon Tum trong một buổi tập.

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian khác, đã có những lúc cồng chiêng Tây Nguyên đứng trước nguy cơ mai một. Sau khi UNESCO công nhận không gian cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, loại hình nghệ thuật này đã được quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị, trong đó có công lao của những nghệ nhân ở các buôn làng trên vùng đất cao nguyên. Già A Biu, dân tộc Ba Na, ở làng Plei Klech, xã Ngọk Bay, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) là người luôn đắm đuối, trăn trở với cồng chiêng, góp phần để âm thanh và những vũ khúc của đại ngàn không bị lãng quên.

Biểu tượng văn hóa

Kon Tum những ngày cuối tháng 4 nắng gắt, lần theo con đường đất gập ghềnh, bụi mù, chúng tôi đến thăm Trường tiểu học Ðặng Trần Côn (xã Ngọk Bay, TP Kon Tum), nơi có 486 học sinh, tất cả đều là người dân tộc Ba Na. Thật tình cờ lại đúng vào giờ tập luyện thường lệ của đội chiêng xoang nhà trường. Nhìn các em trong trang phục dân tộc say sưa tập luyện các tiết mục mới thấy được nỗi vất vả của các thầy giáo, cô giáo nơi đây. Cô Nguyễn Trần Kiều Trang, giáo viên âm nhạc của trường cho biết: Do điều kiện kinh phí còn hạn hẹp và khó khăn cho nên nhà trường chưa thể sắm được một bộ chiêng riêng cho các em học sinh tập luyện thường xuyên. Thế nhưng, Nghệ nhân Ưu tú A Biu một người rất tâm huyết với việc gìn giữ, bảo tồn cồng chiêng nơi đây, đã cho nhà trường mượn bộ chiêng quý của mình để các em học sinh tập luyện. Già A Biu còn trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn các bài mới, truyền lửa đam mê cho giáo viên và học sinh của trường. Khi không có già, giáo viên ghi lại nội dung để giúp các em tập luyện thêm cho thuần thục. Một năm các em sẽ được học ít nhất ba bài múa chiêng xoang tập thể, trong đó các em nam đánh chiêng, còn các em nữ múa xoang. Ðể tập được một bài thành thục phải mất gần ba tháng do phải tập riêng từng khối khác nhau nhuần nhuyễn sau đó mới ghép lại thành bài hoàn chỉnh. Mong mỏi lớn nhất của nhà trường hiện nay là có tài trợ để mua được bộ chiêng tạo điều kiện cho việc tập luyện của các em. Sau bốn lần tổ chức hội thi chiêng xoang toàn thành phố của ngành giáo dục và đào tạo, học sinh nhà trường đã có nhiều tiết mục đạt giải cao.

Không chỉ dạy các em học sinh ở Trường tiểu học Ðặng Trần Côn và thanh niên, thiếu nhi các làng trong vùng biết đánh chiêng, nghệ nhân A Biu còn tỉ mỉ giảng giải về cội nguồn và vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng, nhằm xây dựng cho thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na. Trao đổi với chúng tôi, A Rót năm nay 10 tuổi, học sinh lớp 5 cho biết: Em đã học đánh chiêng với các bạn nam và múa xoang với các bạn nữ từ năm học lớp hai và hai lần được đại diện nhà trường đi thi thành phố. Càng học, chúng em càng hiểu, thêm yêu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Ngày cuối tuần chúng em thường hẹn nhau đến trường để cùng ôn lại cho nhuần nhuyễn các nội dung của bài múa xoang mới học.

Nói đến già A Biu, không chỉ riêng người dân xã Ngọk Bay, các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở đây mà hầu hết các địa phương lân cận trong vùng đều dành cho ông sự kính trọng về những gì ông đã làm để những điệu chiêng, xoang còn được lưu giữ mãi với muôn đời sau. Với nghệ nhân A Biu, cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na. Nó là máu thịt, là tiếng nói tâm linh, là nơi truyền tải niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt hằng ngày. Vui người ta đánh cồng chiêng, buồn cũng lấy chiêng ra kể chuyện. Nói thương nhau, giận nhau cũng bằng tiếng cồng chiêng. Hơn nữa, cồng chiêng còn là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc, các buôn làng trên mảnh đất Kon Tum này.

Chuyện người
  Nghệ nhân Ưu tú A Biu giới thiệu bộ chiêng quý mà ông đang lưu giữ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng cho biết: Nghệ nhân A Biu là một trong 48 Nghệ nhân Ưu tú về di sản văn hóa cồng chiêng, xoang của tỉnh Kon Tum. Nhằm bảo tồn, phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, nhất là cho thế hệ trẻ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng Ðề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”. Theo đề án, các Nghệ nhân Ưu tú như già A Biu sẽ tổ chức lớp truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng và múa xoang cho lớp trẻ; tổ chức lớp truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng… mong rằng những thế hệ kế cận phải thật sự yêu và muốn lưu giữ cồng chiêng để giới thiệu, quảng bá giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng nói riêng đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Ðây cũng chính là lý do mà nghệ nhân A Biu cần mẫn tới các trường học, đi các làng trên địa bàn TP Kon Tum để truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Cả đời “giữ lửa” cồng chiêng

Rời Trường tiểu học Ðặng Trần Côn, chúng tôi tìm đến nhà già A Biu. Nằm lọt thỏm trong ngõ nhỏ. Từ ngoài nhìn vào, ngôi nhà của già A Biu là nổi bật nhất với cấu trúc đặc biệt cùng các bộ cồng chiêng được trưng bày từ cổng vào đến bên trong khuôn viên sân vườn. Bước qua cổng chính ngôi nhà, chúng tôi lúi húi rửa mặt dưới làn nước mát lạnh nơi “nước giọt Bà Tiên”, men theo lối đi trải gạch, rồi rẽ trái. Già A Biu ngồi đó, với đôi mắt sâu đang nhìn xa xăm, long lanh như làn nước dòng sông Ðắk Bla ngày đêm rót ngọt lành vào lòng thành phố. Quan sát già nói về văn hóa cồng chiêng, múa xoang, về các nhạc cụ dân tộc mới thấy người nghệ nhân già như “vướng nợ” với những dáng nét cổ truyền của dân tộc xứ sở này. Ông say sưa kể cho chúng tôi vì sao người ta gọi cồng chiêng, múa xoang là biểu tượng văn hóa của người dân Tây Nguyên. Giọng kể của ông vừa chắc nịch, vừa giục giã, đôi mắt lóng lánh, ươn ướt soi hình cả bộ cồng chiêng lủng lẳng giữa hai thân cây to trong sân vườn.

Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (ngày 25-11-2005), không chỉ đem đến niềm tự hào cho riêng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, mà còn làm nức lòng những người yêu mến văn hóa dân gian của các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng. Thuở xa xưa, cồng chiêng là phương tiện giao lưu với các thần linh, là phương thức thông tin với cộng đồng gần xa về những việc vui, buồn diễn ra trong một cộng đồng làng, một gia đình. Gắn liền với nông lịch và vòng đời, cồng chiêng luôn luôn hiện diện và song hành cùng con người ngay từ lúc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên. Tuy nhiên cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một từ sự thờ ơ của một bộ phận dân cư, nhất là trong lớp trẻ đối với văn hóa cồng chiêng.

Ngoài 60 tuổi, mái tóc dài “tiêu ít muối nhiều” và hàm răng chỉ còn “hai cái bản quyền” như ông tự trào, già A Biu bảo rằng, ở làng này ai cũng ghiền nghe chiêng. Ông kể với chúng tôi, lúc nhiều nhất ông sở hữu gần 20 bộ chiêng, nhưng ông đã tặng cho các xã, huyện trong và ngoài tỉnh, cho nên bây giờ ông chỉ còn sở hữu bảy bộ chiêng tại gia đình trong đó có ba bộ chiêng vô giá là chiêng Lào, Bom Pat và Klang Brông. Ba bộ chiêng này đối với ông là những kỷ niệm không thể nào quên, song lần nào cứ nói đến chiêng quý là lần ấy bà Y Hyal vợ ông lại thở dài. Không phải bà chẳng yêu nghệ thuật này, thậm chí bà vốn là một cô gái múa xoang rất duyên dáng trong nhạc điệu cồng chiêng, nhưng để thỏa mãn đam mê của chồng thì nỗi sợ đói và sợ con cái phải lỡ dở chuyện học do kinh tế gia đình còn khó khăn đang chực chờ phía trước lại khiến bà dè sẻn với đam mê của ông. Giờ thì đại gia đình cồng chiêng của già A Biu ngày càng đông thêm, đoàn nghệ thuật ba thế hệ với ông, cháu, con trai, con dâu… Con trai út của ông theo học ngành y cũng bị ma lực của tiếng cồng chiêng dẫn dắt. Học đánh cồng chiêng từ cha, anh không chỉ đánh được nhiều bài mà đã có thể chỉnh chiêng, xua tan nguy cơ thất truyền của dòng họ nhiều đời yêu quý nghệ thuật này.

Ngôi nhà của già A Biu hay Homestay A Biu đã trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng khá nổi tiếng, điểm dừng chân được người yêu văn hóa trong và ngoài nước ghé đến mỗi lần ngang qua Kon Tum. Tại đây có hai dãy nhà sàn rộng 120 m2, khu ẩm thực chuyên phục vụ các món ăn truyền thống của người Ba Na, và đặc biệt, khoảng sân trước nhà được nghệ nhân A Biu cải tạo, biến hóa thành “sân khấu” biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đốt lửa trại…, do đích thân nghệ nhân A Biu và các thành viên trong gia đình cùng các nghệ nhân trong làng biểu diễn. Ðoàn nghệ thuật “cây nhà lá vườn” này do ông quy tụ cũng trở thành một hạt nhân lưu giữ thứ văn hóa phi vật thể đặc biệt của Tây Nguyên, thường xuyên góp mặt trong các lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc.

Làm du lịch homestay ngoài mục đích về lợi ích kinh tế, ông còn mong muốn duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nhờ các loại hình dịch vụ hấp dẫn gắn với bản sắc văn hóa của người Ba Na tại khu du lịch, tính trung bình mỗi tháng, homestay đón từ ba đến bốn đoàn khách, mỗi đoàn từ 10 – 25 người. Thu nhập bình quân mỗi tháng từ du lịch, trừ các khoản chi phí nhân viên, thực phẩm, cát-xê nghệ nhân… gia đình thu lãi từ 10 đến 25 triệu đồng. Nghệ nhân A Biu phấn khởi và khoe với chúng tôi, gia đình ông đang đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng thêm một khu vui chơi dã ngoại để du khách đến trải nghiệm, thưởng thức cồng chiêng.

Truyền dạy và chế tác các nhạc cụ, với già A Biu là một nhu cầu như cơm ăn nước uống, là cái gì đó hẳn nhiên như máu nóng chảy dưới da mềm. Ðến giờ, già A Biu cũng chẳng nhớ mình đã đi bao nơi, đã tấu lên bao nhiêu giai điệu nguyên sơ, tối cổ của đại ngàn Tây Nguyên. Ðiều khiến Nghệ nhân Ưu tú A Biu có uy tín trong giới làm nghệ thuật cổ truyền Tây Nguyên, chính là khả năng kiểm định và chỉnh chiêng bậc thầy. Ðó là một kỹ thuật rất khó. Cồng chiêng để lâu hoặc do di chuyển, tiếng sẽ bị phô, lạc tông, cho nên phải dùng búa chuyên dụng để gò nắn, trả lại âm thanh nguyên thủy. Với những chiêng rách, chiêng thủng, còn phải gò hàn, chắp nối lại. Kỹ thuật này đòi hỏi kinh nghiệm và thẩm âm cực nhạy, nên các bậc thầy chỉnh chiêng ngày nay rất hiếm. Họ được ví von là “bà mụ đỡ đẻ” cho cồng chiêng, chuyên bóc tách, giải cứu tiếng kêu khỏi chết lịm trong khối đồng lặng thầm, để cồng chiêng lại ngân vang tiếng trong trẻo hay rền buồn vốn dĩ.

Chỉ cần tay già A Biu lướt nhẹ trên những núm chiêng, người nghe đã có thể thấy núi rừng, suối thác của Tây Nguyên ầm ào đến rất gần. Chỉ cần quả bầu, dăm ba ống nứa cùng vài vật dụng đơn sơ khác, già A Biu đã có thể chế tác thành một loại nhạc cụ để truyền tải tài hoa của mình vào đó khiến nó ngân lên những âm thanh, giai điệu đầy mê dụ. Mồ côi cha mẹ từ sớm, A Biu từng tựa vào những sử thi, vào những bài cồng chiêng như một di sản của cha mà chọn đường ngay lối thẳng và gượng đứng dậy mỗi khi vấp ngã. Và ông mải miết kể, hát cho người trẻ nghe. Ông thấy trong nghệ thuật chiêng có tính giáo huấn đạo đức rất cao, đấu tranh trực diện vào thói hư tật xấu. Và ông cũng chế cho mình những lời chiêng tự răn, tự đánh thức. Tuy chưa thành bài bản nhưng đủ níu giữ, gột nên một Nghệ nhân Ưu tú của núi rừng Tây Nguyên hôm nay… Dường như, khi đã hòa mình vào không gian đắm say và linh thiêng của cồng chiêng, thì cũng là lúc già A Biu tự tin và hào sảng nhất. Bản sắc ấy, niềm tin ấy, ở đâu và thời đại nào cũng luôn là một giá trị kiêu hãnh.

Bài và ảnh: PHÚC THẮNG, TUẤN DŨNG
https://nhandan.com.vn/vanhoa/chuyen-nguoi-giu-lua-cong-chieng-645099/