Ấn tượng Kon Jơ Ri

522


12/11/2018 07:00


Trong hành trình khám phá vẻ đẹp trên dòng sông Đăk Bla, ngoài những trải nghiệm khi xuôi ngược dòng sông này trên thuyền độc mộc của người Ba Na, du khách còn được cảm nhận nhiều ấn tượng khi thăm những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số còn đậm nét xưa; cùng thưởng thức rượu cần, điệu múa xoang truyền thống, nghe những âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã… Trong đó, ngôi làng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa) nằm bên cầu treo Kon Klor – cây cầu treo đẹp và dài nhất Tây Nguyên, là điểm đến ấn tượng với du khách…

 

Yên bình Kon Jơ Ri

Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại làng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum).

Nằm nép mình bên dòng sông Đăk Bla, từ lâu Kon Jơ Ri đã thu hút du khách thập phương bởi vẻ đẹp của cảnh vật, thiên nhiên và con người nơi đây. Đến với Kon Jơ Ri, du khách được đắm mình trong sự yên bình của cảnh vật thiên nhiên mà quên đi những xô bồ của cuộc sống thường ngày, được tham gia trải nghiệm cuộc sống của người Ba Na với những nét văn hóa truyền thống độc đáo, cùng lối sống hiền hậu và hiếu khách của người dân nơi đây. 

Kon Jơ Ri giờ đã đổi thay nhiều, làng quê đã khoác lên mình tấm áo mới tươi nguyên, bởi hạ tầng xã hội từng bước được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào dân tộc Ba Na.


Ấn tượng Kon Jơ Ri
Nhà sàn truyền thống ở làng Kon Jơ Ri. Ảnh: P.N

 

Những con đường đất bụi đỏ ngoằn ngoèo khi xưa bây giờ được thảm nhựa, đổ bê tông đến tận làng. Từ một vùng được xem là “ốc đảo”, bây giờ hạ tầng giao thông ở Kon Jơ Ri khá thuận tiện. Việc đi lại của bà con không chỉ có duy nhất qua cây “cầu treo Kon Klor lịch sử” – một thời từng là cánh tay nối dài giữa làng với phố – nhằm đánh thức một vùng đất này, giờ đến với Kon Jơ Ri còn có thêm con đường Tỉnh lộ 671 đi về hướng nam nối với đường Hồ Chí Minh. 

Theo những người lớn tuổi ở làng, vài chục năm trước đây, Kon Jơ Ri chỉ có vài chục nóc nhà, nằm ẩn sâu về phía đầu con sông Đăk Bla giáp với làng Kon Ktu, vùng đất bên kia sông Đăk Bla khi ấy còn rất hoang sơ.

Ngày nay, Kon Jơ Ri trở thành một trong những ngôi làng lớn, rộng với hơn 170 hộ đồng bào dân tộc Ba Na quần tụ bên dòng Đăk Bla hiền hòa. Làng được chia làm 4 tổ, một nửa dân số ở ngôi làng cũ bên kia sông, còn một nửa ở vùng đất mới bên này sông. Làng dân ít nên diện tích mỗi nhà dân khá rộng. Trong khuôn viên, nhà nào cũng rợp bóng mát bởi đủ loại cây xanh bao quanh.   

Đến Kon Jơ Ri buổi sáng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số lưng đeo gùi, tay cầm rựa dạo bước từ các con ngõ nhỏ qua ngôi nhà rông cao vút để đến với cái nương, cái rẫy. Một ngày làm việc của người dân được bắt đầu, mộc mạc mà sinh động và gần gũi.

Nếu có sẵn chiếc máy ảnh trong tay, du khách có thể thu lại hình ảnh này trong ống kính của mình để làm kỷ niệm cho hành trình khám phá những “vùng đất mới” thì quả là tuyệt vời. Tin tôi đi, không ít nhiếp ảnh gia “săn” hình ảnh này mà không dễ gì có được những khoảnh khắc tuyệt vời như vậy

Buổi chiều tà là hình ảnh người dân đeo gùi trên lưng nặng trĩu mang đầy sản vật từ rừng sau một ngày lao động vất vả. Thỉnh thoảng chúng ta được thấy hình ảnh người đi trước, cặp bò kéo cộ đi sau chở đầy sản phẩm từ nương từ rẫy về nhà… thật đẹp và ấn tượng.

Chính hình ảnh đó mà khi du lịch đến đây, không ít khách du lịch phương Tây chọn hình thức “du lịch homestay” để được trải nghiệm những khoảnh khắc tuyệt vời, tìm hiểu cuộc sống, phong tục của dân tộc Ba Na ở làng Kon Jơ Ri. Và tất nhiên, một điểm được du khách ưu tiên lựa chọn là nhà rông Kon Jơ Ri làm nơi đến vào buổi chiều, nghỉ đêm ở làng, để sáng dậy được chứng kiến cảnh tượng thơ mộng yên bình nơi đây.

Từ nhà rông của làng Kon Jơ Ri, chúng ta phóng tầm mắt về phía sông Đăk Bla là khung cảnh đẹp “sơn thủy hữu tình”, như bức tranh đẹp với đủ đầy sông nước, núi cao và xa xa là cánh đồng bất tận xen giữa là dòng sông Đăk Bla thơ mộng. Một cảm giác khoan khoái vô cùng, ta có thể say sưa ngắm cảnh đẹp thiên nhiên và hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành…

Nhiều nét truyền thống được lưu giữ

Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đa dạng trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao cuộc sống, đồng bào Ba Na làng Kon Jơ Ri vẫn luôn quan tâm đến việc khôi phục, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phát triển du lịch…

Điểm nhấn đầu tiên khi đến làng Kon Jơ Ri là nhà rông truyền thống cao vút giữa làng nằm trên diện tích đất khá rộng. Xung quanh nhà rông là những cây me cổ thụ hàng chục năm tuổi. Nhà rông Kon Jơ Ri làm năm 1997 cao 16m, chiều ngang 12m, mặt sàn chỗ rộng nhất ở gian giữa là 6,5m, bóp lại ở hai đầu hồi còn 6m. Phần giáp đỉnh mái tranh có đan liếp bằng tre, hoa văn rất sinh động, vừa để trang trí vừa có tác dụng giữ mái tranh cao vút luôn chịu sức gió lớn thường xuyên.

Nhà rông là trung tâm của làng, là nơi bà con sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng, tổ chức các lễ hội, giao lưu văn hóa văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng…

Hiện nay, làng Kon Jơ Ri có 2 đội cồng chiêng, múa xoang. Một đội gồm những người lớn tuổi và thanh niên, còn một đội là những em học sinh của làng. Kon Jơ Ri còn có một số nghệ nhân biết sửa chiêng, chỉnh chiêng như già làng A Gưng, A Hưi, A Neih, Y Mai… Những nghệ nhân này rất tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ những nét đẹp văn hóa của dân tộc Ba Na, như trao truyền cho họ “ngọn lửa đam mê” và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì vậy, giờ đây trong làng rất nhiều trẻ người biết múa xoang, đánh cồng chiêng.

Hôm chúng tôi tới làng, tìm đến nhà già làng A Gưng, nhưng vợ già cho hay già đi chỉnh chiêng và huy động cho đội cồng chiêng, múa xoang chuẩn bị tập luyện để phục vụ đoàn khách du lịch đến tham quan tại làng vào cuối tháng 11 này.


1541982135 271 Ấn tượng Kon Jơ Ri
Lớp thanh niên ở làng Kon Jơ Ri có rất nhiều người biết đánh cồng chiêng. Ảnh: P.N

 

Trong những thanh niên biết lưu giữ truyền thống có A Diễn, là người con của làng Kon Jơ Ri, giờ đang làm cán bộ phụ trách văn hóa xã Đăk Rơ Wa.

A Diễn cho chúng tôi biết, lớp thanh niên như anh ở làng có rất nhiều người biết đánh cồng chiêng. Làng hiện lưu giữ một bộ cồng chiêng, với 2 đội cồng chiêng thường xuyên tập luyện vừa để giữ nét truyền thống biểu diễn trong các dịp lễ hội của làng, vừa để phục vụ du khách có nhu cầu du lịch đặt tour tại làng…

Cũng theo A Diễn, hiện làng Kon Jơ Ri vẫn còn lưu giữ và tổ chức thường xuyên lễ hội mừng lúa mới, mừng năm mới. Còn những lễ hội không thường xuyên như lễ hội khánh thành nhà rông (khi làm nhà rông mới)…

“Ở làng, mỗi khi có tour du lịch đặt, đến làng tham quan, họ đều liên hệ với thôn. Mỗi năm cũng có vài đoàn đến làng tham quan, nghỉ tại nhà rông của làng. Mỗi tour như vậy, thường đơn vị đặt tour ngoài việc chi trả kinh phí tiền mua các sản vật của đồng bào như rượu cần, thịt nướng, gà nướng… thì còn hỗ trợ cho làng 5 triệu đồng/ tour” – A Diễn cho biết.

Đến với làng Kon Jơ Ri, còn có điểm nhấn hấp dẫn khác với du khách là những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na được người dân lưu giữ khá nhiều.

Nhà sàn của người Ba Na có hình chữ nhật, dài khoảng 12m, sàn nhà cách mặt đất 1,3- 1,5m và có 1 nhà chồ phía trước rộng khoảng 4m để làm nơi giã gạo hay làm việc khác. Mỗi ngôi nhà gồm 12 cột chính nằm phía trong và 12 cột phụ nằm phía ngoài vách.

Ngay cạnh nhà rông của làng là ngôi nhà sàn của vợ chồng bà Y Trăng (55 tuổi). Nhà sàn này được làm theo đúng truyền thống của người Ba Na, được dựng bằng các trụ, vách được làm bằng đất trộn với rơm, phía trên được lợp ngói nhỏ. Bà Y Trăng cho biết, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1992 và là nơi sinh hoạt, ăn ở của gia đình. Hàng năm có rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan nhà sàn của gia đình.

Cách nhà bà Y Trăng, bên cạnh ngôi nhà xây bằng bê tông cốt thép là ngôi nhà sàn theo mẫu truyền thống đồng bào Ba Na của gia đình A Pưih (68 tuổi). Ngôi nhà A Pưih năm nay đã được 25 năm. Theo Y Thuưn (25 tuổi, con gái ông A Pưih) cho biết, hiện cả làng còn khoảng hơn 10 ngôi nhà sàn như của cha em, còn lại người dân đều đã xây nhà kiên cố. Những ngôi nhà sàn còn lại của làng được khách du lịch phương Tây thường xuyên tới tham quan…

Trước những điều ấn tượng đó, làng Kon Jơ Ri thường là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của du khách, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài đi tour trong chuỗi du lịch cộng đồng đến với làng du lịch sinh thái Kon Ktu- ngôi làng nằm phía trong làng Kon Jơ Ri.

Kon Jơ Ri không chỉ nằm ở vùng đất đẹp, yên bình mà chính sự chân thành, mộc mạc cùng những nét văn hóa truyền thống của người Ba Na còn được người dân nơi đây lưu giữ là điều ấn tượng thu hút khách thập phương… 

Phúc Nguyên

Đi đến nguồn bài viết